Cập nhật lúc 10:17 - 13/02/2020 (GMT +07:00)
Như chúng ta đã biết Ban Thanh tra nhân dân (TTND) trong các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ, quyền hạn hết sức quan trọng đó là: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc sử dụng kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước, sử dụng các quỹ, chấp hành chế độ quản lý tài chính, tài sản và công tác tự kiểm tra tài chính của cơ quan, đơn vị; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Kiến nghị với người có thẩm quyền giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện cơ quan, tổ chức cá nhân có dấu hiệu vi phạm và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó. Xác minh, giải quyết vụ việc khi được người đứng đầu cơ quan, đơn vị giao. Kiến nghị với người đứng đầu cơ quan, đơn vị khắc phục hạn chế, thiếu sót được phát hiện qua việc giám sát; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công nhân viên chức lao động, biểu dương những đơn vị, cá nhân có thành tích…Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật… Ban Thanh tra nhân dân ở các đơn vị do Hội nghị Cán bộ, Công chức, Viên chức bầu ra nhưng do Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở (CĐCS) ra quyết định chuẩn y và được Ban Chấp hành CĐCS hướng dẫn hoạt động.
Trao tặng Giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn tại Hội nghị CBVC trường THPT Chợ Đồn năm học 2019-2020
Thời gian qua, trong mỗi nhiệm kỳ Đại hội các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đều tổ chức các lớp tập huấn để hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng cán bộ công đoàn như: Công tác tổ chức, tài chính, thi đua, tuyên giáo, nữ công, kiểm tra, quy chế dân chủ cơ sở ... nhưng việc tổ chức tập huấn riêng về chuyên đề TTND thì rất ít đơn vị thực hiện, chủ yếu là lồng ghép khi trao đổi về vấn đề thực hiện quy chế dân chủ.
Công đoàn ngành GD&ĐT Bắc Kạn quản lý 24 công đoàn cơ sở, trong đó có 23 đơn vị thuộc khối hành chính, sự nghiệp có Ban thanh tra nhân dân (69 cán bộ làm công tác thanh tra nhân dân). Hoạt động của Ban TTND ở các đơn vị là một trong những nội dung mà Ban Thường vụ Công đoàn ngành luôn quan tâm chỉ đạo và từng bước đi vào nề nếp. Song, qua công tác kiểm tra, giám sát, vẫn còn một số đơn vị chưa phát huy tốt vai trò giám sát hoặc còn tâm lý ngại va chạm, chưa mạnh dạn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trong đề xuất, kiến nghị xử lý khi phát hiện các sai phạm. Cá biệt, có đơn vị chưa xác định rõ ràng chức năng hoạt động của Ban TTND, còn lẫn vào chức năng của Ủy ban Kiểm tra, vai trò của Ban TTND mờ nhạt. Đây chắc chắn không phải là vấn đề riêng ở các CĐCS do Công đoàn ngành quản lý mà có lẽ cũng là tình trạng chung ở nhiều CĐCS trường học trong tỉnh hiện nay.
Để giúp Ban Chấp hành CĐCS thực hiện đúng trách nhiệm trong việc hướng dẫn Ban TTND hoạt động, phát huy tốt vai trò giám sát của Ban TTND, đồng thời khắc phục được những hạn chế đã nêu ở trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, Đối với các công đoàn cấp trên cơ sở: Tổ chức các lớp tập huấn, trong đó có chuyên đề riêng về hoạt động Ban Thanh tra nhân dân tại cơ sở. Đối tượng triệu tập tham gia tập huấn gồm: Chủ tịch CĐCS (người thay mặt Ban Chấp hành ra Quyết định công nhận Ban TTND và hướng dẫn Ban TTND hoạt động); Trưởng Ban TTND (người trực tiếp thay mặt Ban TTND xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ). Từ đó Ban Chấp hành CĐCS và Ban Thanh tra Nhân dân không còn lúng túng khi hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Nội dung chính của chương trình tập huấn cần tập trung vào: Các nhiệm vụ của CĐCS theo quy định tại Điều 75 Luật Thanh tra năm 2010, Hướng dẫn 1271/HD-TLĐ ngày 07/8/2017, đặc biệt là Nghị định 159/2016/NĐ-CP năm 2016 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân. (Lập bảng so sánh điểm giống và khác nhau về chức năng, nhiệm vụ, phương pháp, quy trình thực hiện nhiệm vụ của Ban Thanh tra Nhân dân và Ủy ban Kiểm tra, giúp cơ sở phân biệt rõ ràng, không còn lẫn chức năng của hai tổ chức). Hướng dẫn Ban TTND xây dựng Quy chế hoạt động; chương trình, kế hoạch công tác; quy định chế độ báo cáo.
Chỉ đạo CĐCS triển khai hiệu quả các nội dung đã được tập huấn, kết hợp với tiếp tục phổ biến Quyết định 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Hướng dẫn số 04/HD-CĐN ngày 04/9/2015 của Công đoàn ngành Giáo dụcvà Đào tạo Bắc Kạn về việc hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Giáo dục để tất cả đoàn viên công đoàn nắm rõ và nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của từng cá nhân trong việc thực hiện hoạt động giám sát.
Đưa nội dung kiểm tra hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân vào kế hoạch kiểm tra CĐCS định kỳ, tuyên dương những Ban TTND hoạt động hiệu quả. Đối với Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở để cùng có hướng dẫn chỉ đạo, kiểm tra hoạt động cho Ban TTND các cơ quan, đơn vị trong ngành…
Thứ hai, Đối với Ban chấp chấp hành công đoàn cơ sở: Phải hướng dẫn, lựa chọn cơ cấu Ban TTND là người đại diện cho công chức, viên chức và người lao động của đơn vị, các thành viên tham gia Ban TTND phải có bản lĩnh, không ngại va chạm, xứng đáng với sự tín nhiệm của tập thể; phải ý thức đầy đủ về vị trí, vai trò và phải nắm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình được pháp luật quy định, có nghiệp vụ hoạt động và am hiểu pháp luật.
Hướng dẫn Ban TTND xây dựng chương trình, nội dung công tác, định kỳ nghe báo cáo kết quả hoạt động và giải quyết kịp thời kiến nghị của Ban TTND đối với Ban Chấp hành CĐCS.
Công đoàn cơ sở tiến hành chủ trì việc tổ chức phối hợp với các tổ chức khác trong cơ quan, đơn vị trong việc hỗ trợ hoạt động của Ban TTND. Dự toán, quyết toán kinh phí hoạt động hàng năm cho Ban TTND. Mời đại diện Ban TTND tham dự cuộc họp của Ban Chấp hành CĐCS có nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ban TTND…
Các giải pháp được triển khai và tổ chức thực hiện có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm giúp cho Ban TTND ở các cơ quan, đơn vị, trường học hoạt động đúng quy định hiện hành. Trên cơ sở đó sẽ giúp cho CĐCS thực hiện tốt chức năng tham gia quản lý, chức năng giám sát và phản biện xã hội, góp phần thực hiện dân chủ, phòng, chống tiêu cực và việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, trường học./.
Phan Tuệ: Công đoàn ngành GD&ĐT Bắc Kạn