Cập nhật lúc 11:05 - 23/06/2021 (GMT +07:00)
Từ xưa đến nay, trong đời sống xã hội, gia đình luôn giữ vị trí quan trọng, được gắn liền với đời sống của mỗi con người. Gia đình là một hình thức tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa - xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ phụng dưỡng và giáo dục… đồng thời có sự gắn kết về kinh tế, vật chất, qua đó có ý thức về thực hiện nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình. Chỉ thị số 49/CT-TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư TW Đảng đã khẳng định “Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Thấy rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền, chuyên môn cùng cấp, người sử dụng lao động; các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng gia đình CNVCLĐ theo tiêu chí “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Hàng năm, các cấp công đoàn đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, tổ chức các hoạt động về công tác giới và bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con khỏe, ngoan, học tốt... Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và vận động cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến gia đình. Hằng năm, các cấp công đoàn tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình , cao điểm là Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 theo chủ đề từng năm như: “Xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại”; “Kết nối yêu thương”; “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” gắn với chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Tổ chức cho các gia đình đoàn viên, CNVCLĐ đi tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình; giao lưu văn nghệ, thể thao, gặp mặt dâu rể; tổ chức tọa đàm với chủ đề “Kiến thức về giới”, “kiến thức làm mẹ”, “kỹ năng sống”; tổ chức nói chuyện chuyên đề về “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ”, “Bí quyết xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”...; các lớp tập huấn, tuyên truyền giáo dục kiến thức về giới, bình đẳng giới, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kiến thức nuôi dạy con.. Các cấp công đoàn lồng ghép nội dung công tác xây dựng gia đình trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, hàng năm có trên đạt trên 80% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu GVN, ĐVN; trên 90% gia đình CNVCLĐ đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”, trong đó có nhiều gia đình đạt “Gia đình văn hóa” tiêu biểu nhiều năm tại nơi cư trú.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cũng đã duy trì, phát huy hiệu quả các loại quỹ như: quỹ “Vì nữ CNVCLĐ nghèo”, quỹ “Quốc gia về việc làm”, quỹ “Mái ấm công đoàn”... giúp đỡ các gia đình CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách có thêm nguồn kinh phí trang trải, từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống. Từ năm 2016 - 2020, đã có 170 lượt gia đình CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vay vốn với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng, có 20 đoàn viên, CNVCLĐ được hỗ xây dựng nhà ở “Mái ấm công đoàn” với tổng số tiền 513 triệu đồng, có 51.735 suất quà được trao tặng nhân các dịp lễ, tết với số tiền trên 27 tỷ đồng...
Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho con CNVCLĐ. Từ năm 2016 - 2020, phối hợp tổ chức trao học bổng cho 70 cháu là con CNVCLĐ vượt khó học giỏi, tổng trị giá 42,5 triệu đồng, trao tặng 1.655 cặp phao cứu sinh, cặp sách, 12.750 cuốn vở, 16 thùng sữa, trao 55 triệu đồng hỗ trợ phẫu thuật tim cho 2 cháu là con CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà cho 40 cháu là con CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo...
Vợ chồng chị Hoàng Thị Hiền (Giáo viên Trường TH&THCS Lam Sơn, huyện Na Rì) và anh Hà Văn Tôn (Giáo viên Trường TH&THCS Ân Tình, huyện Na Rì) thường xuyên chia sẻ, động viên để các con của mình nỗ lực phấn đấu trong học tập. Đây là một trong những gia đình CNVCLĐ tiêu biểu được LĐLĐ tỉnh biểu dương, khen thưởng. Ảnh Ngọc Liêm |
---|
Để kịp thời động viên khích lệ, tuyên truyền nhân rộng các mô hình gia đình CNVCLĐ theo tiêu chí “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, các cấp công đoàn cũng đã tổ chức gặp mặt, biểu dương các gia đình tiêu biểu trong các lĩnh vực: Lao động giỏi, lao động sáng tạo, vượt khó vươn lên, hiếu học, hiếu nghĩa, thủy chung, nuôi dạy con tốt... Năm 2021, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2021), Liên đoàn Lao động tỉnh biểu dương 51 gia đình CNVCLĐ tiêu biểu giai đoạn 2016 - 2021 trong đó có 01 gia đình được Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam biểu dương, khen thưởng.
Tuy nhiên, công tác xây dựng gia đình hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, số lượng CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh ngày một tăng. Tình hình đời sống, việc làm của công nhân lao động ở một số đơn vị, doanh nghiệp chưa ổn định. Các điều kiện về nhà ở, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, khu vui chơi giải trí… dành cho công nhân lao động và con em họ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn. Nhiều người lao động chưa được trang bị kiến thức về tình yêu, tình dục, xây dựng gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con… Do đó, hiện tượng công nhân lao động có quan hệ tình dục và nạo phá thai còn xảy ra; tình trạng ly hôn, ly thân, bạo lực gia đình có chiều hướng ngày càng phức tạp; các tệ nạn xã hội như: ma tuý, cờ bạc, tín dụng đen, mại dâm... đã và đang có nguy cơ xâm nhập vào các gia đình; số gia đình CNVCLĐ sinh con thứ 3 những năm gần đây có xu hướng tăng đáng kể.
Từ thực tế công tác xây dựng gia đình trong CNVCLĐ thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như: Công tác xây dựng gia đình trong CNVCLĐ cần có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp của chính quyền các cấp, các tổ chức chính chị - xã hội, các ban, ngành chức năng và người sử dụng lao động; Các cấp công đoàn cần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho CNVCLĐ về vai trò, ý nghĩa to lớn của gia đình trong đời sống xã hội; ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về vấn đề hôn nhân, gia đình; về giới, bình đẳng giới, về dân số, KHHGĐ; các kiến thức về xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; kiến thức chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con... ; Mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần có những hoạt động thiết thực quan tâm đến công tác xây dựng gia đình nhân các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm như: ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), các ngày về Dân số... Bên cạnh đó, làm tốt công tác xã hội từ thiện, duy trì, phát huy hiệu quả các nguồn quỹ: quỹ “Quốc gia giải quyết việc làm”, quỹ “vì nữ CNVCLĐ nghèo”… hỗ trợ các gia đình CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất; quan tâm chăm lo đến các gia đình CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, con CNVCLĐ vượt khó vươn lên...Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với CNVCLĐ nhất là những chính sách đối với lao động nữ theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định; Tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động CNVCLĐ phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tích cực phấn đấu vươn lên, có nhận thức đúng đắn về vấn đề xây dựng gia đình theo tiêu chí hạnh phúc, bền vững, khắc phục những mặt trái của cơ chế thị trường. Động viên CNVCLĐ tích cực học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức xã hội và pháp luật để có đủ trình độ, điều kiện tiếp cận với công nghệ mới, có việc làm, tăng thu nhập, bảo đảm đời sống và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung và chất lượng cuộc sống mỗi gia đình nói riêng thích ứng với nền kinh tế thị trường; Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá việc thực hiện công tác xây dựng gia đình, kịp thời biểu dương, nhân rộng những điển hình gia đình tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Bùi Thị Thanh Thủy - Trưởng Ban Công tác cơ sở LĐLĐ tỉnh