Cập nhật lúc 20:46 - 09/11/2019 (GMT +07:00)
Xác định vai trò quan trọng của Công đoàn trong việc triển khai và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, những năm qua Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Bắc Kạn luôn tập trung chỉ đạo các CĐCS triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.Đến nay có thể khẳng định cơ bản việc thực hiện quy chế dân chủ(QCDC) trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thành phố đã trở thành nề nếp và đạt hiệu quả thiết thực.
Công đoàn CTCP Hồng Hà phối hợp với BGĐ tổ chức Hội nghị người lao động năm 2019
Hiện nay LĐLĐ thành phố Bắc Kạn quản lý 69 CĐCS, trong đó 19 CĐCS doanh nghiệp, 50 CĐCS hành chính, sự nghiệp. Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tuyên truyền, giáo dục đoàn viên CNVCLĐ; tham gia quản lý…LĐLĐ thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các CĐCS chủ động tham gia và phối hợp với chính quyền đồng cấp phát huy tốt dân chủ ở cơ sở. Trên cơ sở thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 (năm 2019 thực hiện Nghị định số 149/2018/NĐ-CP), Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/1/2015 của Chính phủ, các CĐCS phối hợp với chính quyền tổ chức Hội nghị CB,CC,VC, Hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc. Thông qua Hội nghị CB, CC, VC cán bộ, công chức, viên chức đã phát huy dân chủ tích cực tham gia vào các nội quy, quy chế của cơ quan đơn vị, đồng thời cũng tự giác nâng cao trách nhiệm, năng lực, trình độ để làm tốt công tác chuyên môn, cải tiến lề lối làm việc; người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng phát huy vai trò thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến. Đối với các doanh nghiệp, công đoàn đã phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định về quy chế dân chủ tại nơi làm việc. Phát huy quyền dân chủ người lao động khi tham gia các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập và thực hiện các chính sách cho người lao động. Thông qua đối thoại, người sử dụng lao động và người lao động đã chia sẻ và giải quyết được những khó khăn, vướng mắc tại doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận trong mối quan hệ. Kết quả, hàng năm 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức Hội nghị CBCCVC, trên 70% doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động. Chất lượng tổ chức các Hội nghị ngày một được nâng lên. Trong những năm qua, LĐLĐ thành phố không nhận được đơn thư, khiếu nại tố cáo của đoàn viên Công đoàn.
Hàng năm, LĐLĐ thành phố Bắc Kạn triển khai, thực hiện tốt nội dung giám sát, đồng thời thành lập đoàn, phối hợp và tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thành phố. Trong 5 năm 2015 -2019 LĐLĐ thành phố kiểm tra 62 CĐCS; tổ chức giám sát được 07 cuộc; tham gia các đoàn kiểm tra 32 cuộc; Phối hợp với BHXH thành phố tổ chức đối thoại với chủ sử dụng lao động, người lao động được 04 cuộc; Các CĐCS tự kiểm tra, giám sát được 327 cuộc. Qua hoạt động kiểm tra, giám sát, các cấp công đoàn nắm tình hình thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quy chế dân chủ cơ sở, nắm thực tế đời sống, lao động, việc làm; việc thực hiện các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật lao động đối với người lao động, từ đó có ý kiến tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có biện pháp thực hiện ngày càng tốt hơn các quy định của Đảng và Nhà nước; CNVCLĐ ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện quy chế dân chủ và các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ sử dụng lao động thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm trong thực hiện quy chế dân chủ, quan tâm hơn đến việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động. Các CĐCS thường xuyên quan tâm, chỉ đạo Ban thanh tra nhân dân hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ để góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Với sự cố gắng và nỗ lực của mình, các cấp công đoàn thành phố Bắc Kạn đã chủ động, phối hợp với chính quyền đồng cấp trong việc phát huy dân chủ ở cơ sở và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở vẫn còn một số tồn tại như: một số doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại còn mang tính hình thức, chưa đạt chất lượng như mong muốn, TULĐTT chưa có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định…Những tồn tại trên xuất phát từ các nguyên nhân: một số người sử dụng lao động chưa nhận thức rõ việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là trách nhiệm của người sử dụng lao động, mà coi đây trách nhiệm của tổ chức Công đoàn; Một số đơn vị không cử người đại diện tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về QCDC do LĐLĐ Thành phố tổ chức cũng như không tích cực phối hợp tổ chức Hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại; Một số cán bộ công đoàn còn e dè, ngại va chạm nên chưa mạnh dạn và thiếu chủ động trong hoạt động…
Để thực hiện QCDC ở cơ sở đạt hiệu quả cao hơn nữa, trong thời gian tới các cấp công đoàn thành phố Bắc Kạn tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai sâu rộng Nghị định 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/1/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho người sử dụng lao động và cán bộ công đoàn triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc.
Hai là, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS chủ động trong việc tham gia với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng, thực hiện QCDC cơ sở. LĐLĐ thành phố trực tiếp hỗ trợ CĐCS trong quá trình tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.
Ba là, Các cấp công đoàn tiếp tục tham mưu cho Ban chỉ đạo thực hiện QCDC những nội dung liên quan đến việc thực hiện QCDC; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức Hội nghị CB, CC, VC, Hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc; Phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức đối thoại với người lao động và chủ sử dụng lao động.
Bốn là, Nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, phản biện, kiến nghị giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến người lao động. Thường xuyên kiện toàn và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Ban Thanh tra nhân dân.
Năm là, Phát động các phong trào thi đua vận động đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó phát huy quyền làm chủ trong tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh
Để quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy hiệu quả theo đúng tinh thần Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, trong thời gian tới, mỗi cán bộ, CNVCLĐ cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ,các cấp công đoàn cần phát huy vai trò, trách nhiệm để Công đoàn thực sự là cầu nối giữa Đảng và đoàn viên, người lao động, là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước. Có như vậy, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở mới thực chất, đồng thời khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của tổ chức Công đoàn trong tình hình hiện nay./.
Vũ Thị Kim Quỳnh-Chủ tịch LĐLĐ thành phố Bắc Kạn