Cập nhật lúc 15:58 - 05/02/2020 (GMT +07:00)
Sáng 05/2, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 855/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bắc Kạn. Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Du- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lý Thái Hải- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Ngày 10/01/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 đã thông qua Nghị quyết số 855/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, 06 huyện, gồm: Ngân Sơn, Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Mới, Na Rì, Chợ Đồn có thay đổi đơn vị hành chính cấp xã.
Theo đó, thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bắc Kạn, bắt đầu từ ngày 01/02/2020, tỉnh Bắc Kạn có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện, 01 thành phố, 108 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 96 xã, 06 phường và 06 thị trấn.
Cụ thể, tại huyện Ngân Sơn thành lập xã Hiệp Lực trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hương Nê và xã Lãng Ngâm. Sau khi sắp xếp, huyện Ngân Sơn còn 10 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 09 xã và 01 thị trấn.
Huyện Na Rì thành lập xã Văn Lang trên cơ sở nhập toàn bộ xã Ân Tình và xã Lạng San; thành lập xã Trần Phú trên cơ sở nhập toàn bộ xã Hảo Nghĩa và xã Hữu Thác; thành lập xã Sơn Thành trên cơ sở nhập toàn bộ xã Lam Sơn và xã Lương Thành; điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Lương Hạ vào thị trấn Yến Lạc, vẫn giữ nguyên tên thị trấn Yến Lạc; điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, dân số của xã Văn Học và toàn bộ diện tích, dân số còn lại của xã Lương Hạ vào xã Cường Lợi, lấy tên xã mới sau điều chỉnh là Cường Lợi; thành lập xã Văn Vũ trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích, dân số còn lại của xã Văn Học và xã Vũ Loan. Sau khi sắp xếp, huyện Na Rì còn 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 16 xã và 01 thị trấn.
Đối với huyện Bạch Thông, thành lập xã Quân Hà trên cơ sở nhập toàn bộ xã Quân Bình và xã Hà Vị; nhập toàn bộ xã Phương Linh vào thị trấn Phủ Thông, giữ nguyên tên thị trấn Phủ Thông; thành lập xã Tân Tú trên cơ sở nhập toàn bộ xã Tân Tiến và xã Tú Trĩ. Sau khi sắp xếp, huyện Bạch Thông có 14 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 13 xã và 01 thị trấn.
Huyện Chợ Đồn thành lập xã Đồng Thắng trên cơ sở sáp nhập toàn bộ xã Đông Viên và xã Rã Bản; nhập một phần diện tích tự nhiên, dân số của xã Phong Huân và xã Bằng Lãng, lấy tên xã mới sau sắp xếp là Bằng Lãng; thành lập xã Yên Phong trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích, dân số còn lại của xã Phong Huân với toàn bộ xã Yên Nhuận. Sau sắp xếp, huyện Chợ Đồn có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 19 xã và 01 thị trấn.
Huyện Chợ Mới thành lập thị trấn Đồng Tâm trên cơ sở nhập toàn bộ thị trấn Chợ Mới và xã Yên Đĩnh; thành lập xã Thanh Thịnh trên cơ sở nhập toàn bộ xã Thanh Bình và xã Nông Thịnh. Sau sắp xếp, huyện Chợ Mới có 14 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 13 xã và 01 thị trấn.
Huyện Ba Bể nhập toàn bộ xã Cao Trĩ vào xã Thượng Giáo và lấy tên xã mới là xã Thượng Giáo. Sau sắp xếp, huyện Ba Bể còn 14 xã và 01 thị trấn.
Việc kiện toàn bộ máy, đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập xong trước ngày 1/3/2020. UBND các huyện có đơn vị hành chính cấp xã trong diện sắp xếp thực hiện bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã Theo Đề án trình UBND tỉnh. Thời gian hoàn thành trước 1/3/2020. Việc thông báo địa điểm trụ sở của đơn vị hành chính xã, thị trấn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đăng ký các loại con dấu cho các cơ quan, tổ chức của các đơn vị hành chính cấp xã mới, thời gian hoàn thành trước 1/3/2020. Thời gian đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập chính thức hoạt động từ 00 giờ, 00 phút ngày 1/3/2020.
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáp nhập như vấn đề sắp xếp vị trí công tác đối với các trường hợp dôi dư, các chức danh sau sáp nhập, vấn đề trụ sở làm việc các xã sau khi sáp nhập, vấn đề bãi miễn HĐND xã cũ, các trường hợp cán bộ sau khi sắp xếp có nguyện vọng nghỉ chế độ cần báo cáo cụ thể với Thường trực Tỉnh ủy và HĐND xem xét các cơ sở pháp lý để giải quyết chế độ, việc sắp xếp cán bộ các tổ chức Hội, Đoàn thể còn lúng túng…
Lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ tiếp thu ý kiến các huyện và ra văn bản chỉ đạo các huyện thực hiện sáp nhập theo đúng lộ trình, đúng thời gian.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Du- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu: Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện và Đảng ủy các xã chủ động giải quyết vướng mắc trong quá trình sáp nhập, những vấn đề vượt thẩm quyền chủ động xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh trên tinh thần thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, thông suốt tinh thần Đảng phân công và nhân dân giao phó, tiếp tục giữ vững mối đoàn kết cho nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân. Một số nội dung liên quan đến công tác cán bộ, công chức cần xem xét, giải quyết thực hiện sắp xếp theo quy định.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các ngành chức năng đặc biệt quan tâm đến các xã sáp nhập như cấp con dấu mới, các nguồn kinh phí sau khi sáp nhập. Vấn đề cơ sở vật chất như trụ sở các xã sau khi sáp nhập; phải phân công các đồng chí trực tại đơn vị hành chính cũ để hướng dẫn nhân dân đến các khu vực làm thủ tục hành chính, tránh phiền hà, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho nhân dân trong các hoạt động giao dịch hành chính. Những vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ dần, tuy nhiên những vấn đề liên quan đến chính sách phải đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng quy định của pháp luật./.
Nguồn: Báo Bắc Kạn