Cập nhật lúc 16:18 - 22/11/2023 (GMT +07:00)
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, các cấp công đoàn trong tỉnh đã hưởng ứng mạnh mẽ cả về bề rộng và chiều sâu; Chương trình thu hút được đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia, đạt được kết quả cao. Tính đến 31/8/2023, hệ thống công đoàn các cấp trong tỉnh ghi nhận có 3.389 lượt đoàn viên, người lao động tham gia. Trong đó, CĐCS khối hành chính, sự nghiệp, xã, phường, thị trấn có 980 lượt đoàn viên tham gia; khối trường học có 2.379 lượt đoàn viên tham gia; khối doanh nghiệp có 30 lượt đoàn viên tham gia. Trong tổng số 3.389 sáng kiến đó có 3.266 sáng kiến hợp lệ; đạt 178% chỉ tiêu kế hoạch Tổng Liên đoàn giao và đứng thứ 19 cả nước. Từ những kết quả đạt được, tập thể LĐLĐ tỉnh được được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng khen có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện Chương trình.
Các sáng kiến của đoàn viên, CNVCLĐ tham gia đều có giá trị cao về mặt kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy công tác quản lý, cải cách hành chính, giúp các hoạt động chuyên môn, sản xuất kinh doanh của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được khôi phục và phát triển với tổng giá trị làm lợi ước đạt gần 20 tỷ đồng. Kết quả thể hiện tiềm năng, trí tuệ sáng tạo, ý thức cải thiện, nâng cao năng lực làm việc của người lao động và tinh thần yêu lao động của đội ngũ đoàn viên, người lao độngBắc Kạn, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng công việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp vượt khó phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh nhà, góp phần khẳng định vai trò của của tổ chức công đoàn Bắc Kạn nói riêng, Công đoàn Việt Nam nói chung trong việc đồng hành cùng với Nhà nước nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia và phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện chung của nền kinh tế khắc phục, khôi phục sau đại dịch Covid-19.
Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tham gia Chương trình được thực hiện hiệu quả với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực. Xác định Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” là một trong những nội dung lớn nhằm cụ thể hoá phong trào thi đua, được các cấp công đoàntập trung đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hồ sơ công việc, trên các nhóm Facebook, nhóm Zalo cũng như tại các cuộc họp của cơ quan, đơn vị, công đoàn…Qua đó đã kịp thờithông tin, truyền thông, cập nhật tiến độ, kết quả tham gia Chương trình cũng như kịp thời nhắc nhở, đôn đốc các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao độngnộp sáng kiến sao cho đảm bảo chất lượng và chỉ tiêu được giao.
Công tác phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, với người sử dụng lao động được thực hiện chặt chẽ, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện Chương trình. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp công đoàn luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chi ủy Chi bộ, sự phối hợp, hỗ trợ của thủ trưởng đơn vị trong chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực nghiên cứu, thực hiện việc đăng ký sáng kiến, đảm bảo nội dung sát thực tiễn, thiết thực, hiệu quả, có tính ảnh hưởng lớn. Các CĐCS đã phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị và người sử dụng lao động xây dựng, ký kết kế hoạch triển khai, tham gia thực hiện Chương trình tại đơn vị, 100% kế hoạch đều có mục tiêu cụ thể, có cơ chế khuyến khích, động viên, khen thưởng đoàn viên, CNVCLĐ tham gia.
LĐLĐ tỉnh đã cử 01 cán bộ là quản trị hệ thống phần mềm trực tuyến, các cấp công đoàn đã phân công 01 đồng chí hoặc thành lập Tổ hỗ trợ sáng kiến để hướng dẫn, hỗ trợ đoàn viên tham gia và nhập sáng kiến theo dữ liệu phần mềm của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo của đoàn viên, người lao động được phát hiện và đăng ký dự thi kịp thời. Qua quá trình thực hiện Chương trình, nhiều LĐLĐ huyện, công đoàn ngành, công đoàn cơ sở có cách làm hay, hiệu quả, vận động được nhiều đoàn viên, người lao động tích cực tham gia Chương trình đạt kết quả cao, điển hình như: LĐLĐ các huyện Na Rì, Ngân Sơn, Công đoàn ngành Giáo dục - Đào tạo; CĐCS Trường Mầm non Kim Hỷ (huyện Na Rì), Trường Mầm non Yên Cư (huyện Chợ Mới), CĐCS cơ quan LĐLĐ tỉnh, Kho bạc Nhà nước Bắc Kạn...
Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” đã gắn chặt với các phong trào thi đua, đã lan tỏa mạnh mẽ, đi vào đời sống và mang lại hiệu quả cao; góp phần khôi phục, phát triển sản xuất và tăng thu nhập cho người lao động. Đến hết ngày 31/8/2023, các cấp công đoàn tổ chức tổng kết thực hiện Chương trình, kịp thời biểu dương, khen thưởng cho 28 tập thể và 24 cá nhân. Tại Hội nghị tổng kết, Liên đoàn Lao động tỉnh đã khen thưởng cho 25 tập thể, 08 cá nhân có sáng kiến tiêu biểu, xuất sắc và có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo thực hiện. Việc ghi nhận, đánh giá, khen thưởng các sáng kiến có giá trị đã kịp thời động viên, khuyến khích được người lao động có tâm huyết, nhiệt huyết trong hoạt động sản xuất, động viên kịp thời CBCC tích cực nghiên cứu, sáng tạo trong công việc nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, góp phần tạo sự gắn kết, gắn bó giữa người lao động và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tình hình khó khăn sau đại dịch.
Ảnh. Đồng chí Vi Hồng Dương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” còn có những khó khăn, hạn chế như: Một số đơn vị chưa tích cực trong việc vận động, đôn đốc đoàn viên, người lao động tham gia Chương trình nên chưa đạt chỉ tiêu số lượng phân bổ; cán bộ được giao phụ trách đều làm công tác kiêm nhiệm, chưa được đào tạo tập huấn về chuyên đề nên còn lúng túng trong triển khai thực hiện; việc tham gia, nộp sáng kiến của đoàn viên, người lao động còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân (do đoàn viên ở khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chủ yếu là lao động phổ thông, còn hạn chế về cách diễn đạt sáng kiến bằng văn bản, kỹ năng công nghệ thông tin để tham gia nộp sáng kiến; phần mềm nhập sáng kiến hoạt động còn chưa ổn định...); đa số sáng kiến tham gia mới tập trung ở các đơn vị hành chính, sự nghiệp, nhiều nhất ở khối giáo dục, trong khi các đơn vị sản xuất trực tiếp khối doanh nghiệp sáng kiến còn hạn chế…
Qua quá trình thực hiện, các cấp công đoàn rút ra một số bài học kinh nghiệm gồm: (1) Việc triển khai Chương trình đạt kết quả cao cần phải có sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký kết giao ước thi đua, biên bản ghi nhớ triển khai tốt Chương trình, trong đó có các điều khoản tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đoàn viên, người lao động có thời gian, môi trường nghiên cứu, sáng tạo, điều kiện cơ sở vật chất thực hành, ứng dụng sáng kiến; có cơ chế khuyến khích tinh thần, khen thưởng vật chất tương xứng với giá trị làm lợi mang lại; (2) Các cấp công đoàn cần đẩy mạnh truyền thông cho Chương trình, tập trung tuyên truyền trên các trang mạng xã hội gần gũi với đoàn viên, người lao động, tích cực tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình, các mô hình mới, cách làm sáng tạo, các câu chuyện về sáng kiến, sáng kiến tiêu biểu…; (3) Thường xuyên tổ chức phát động trong đoàn viên, người lao động như “Tuần cao điểm”, “Tháng cao điểm” và lồng ghép với các phong trào thi đua của ngành, địa phương, đơn vị để động viên đoàn viên, người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến, cập nhập trên hệ thống phần mềm của Chương trình; (4) Đưa chỉ tiêu thực hiện Chương trình vào nội dung xếp loại thi đua; đánh giá, kiểm điểm thực hiện tại Hội nghị giao ban hàng tháng của các Công đoàn cơ sở,kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tích cực tham gia Chương trình, có nhiều đóng góp cho việc hoàn thành kế hoạch đề ra. Khuyến khích cán bộ công đoàn năng động, sáng tạo, có giải pháp hiệu quả trong thực hiện và lan tỏa sâu rộng về Chương trình.
Đỗ Văn Toàn, LĐLĐ tỉnh